|
Hai Mươi Năm Ta Về Thăm
Tặng C.T.A)
Ta về thăm lại thành phố cũ
Thương xót kinh kỳ đã mất tên
Gió bụi mịt mù người nhốn nháo
Bên đường chờ chực lũ kên kên!
Hai mươi năm trường ta biệt xứ
Hai mươi năm phố xá hoang tàn!
Tên đường nay bỗng nghe kỳ lạ
Thành phố mang tên gã điếm đàng!
Ta về thăm lại dòng sông cũ
Thuở ấy trong xanh nước mơ màng
Tiếng ai thánh thót hò trên sóng
Tảng sáng thuyền đưa khách rộn ràng
Hai mươi năm trường ta biệt xứ
Hai mươi năm sông đã xa nguồn
Rác rưới tanh hôi mùi xú uế
Nước đen bờ lở thật tang thương!
Ta về thăm lại thôn làng cũ
Thuở ấy đường quê ngập bướm vàng
Vườn mận vườn cam đầy trái ngọt
Trường làng con trẻ hát vang vang!
Hai mươi năm trường ta biệt xứ
Hai mươi năm thôn quá điêu tàn
Lối xưa vắng bóng đàn bướm lượn
Vườn mận vườn cam đã bỏ hoang!
Trường làng mái sụp tường xiêu đổ
Cây cỏ um tùm sậy đế lau
Đám trẻ lom khom gom gạch vụn
Đem về mẹ bán sáng mua rau!
Ta về thăm lại cô bạn gái
Má đỏ môi son đẹp nhất quê
Hấp tấp ngày đi không từ giã
Chồng con nay chắc đã yên bề?
Hai mươi năm trường ta biệt xứ
Hai mươi năm khánh tận một đời!
Đói khổ em tìm ra phố thị
Bán trôn nuôi miệng sống cầm hơi!
Ta về thăm lại người bạn cũ
Thuở trước oai phong bậc anh hào
Văn võ song toàn, trai nhất xứ
Bao năm chức nghiệp chắc đã cao?
Hai mươi năm trường ta biệt xứ
Hai mươi năm bạn kéo xe thồ
Mặt sạm trán nhăn già thấy rõ
Thân gầy da bọc mớ xương khô!
Ta về thăm lại nhà hương hỏa
Tạ tội cùng cha với mẹ hiền
Bao năm con trẻ đi biền biệt
Cha mẹ ngày đêm phải ưu phiền
Mẹ ra trước cửa mừng vui đón
Tóc trắng như bông dáng dáng gầy
Mừng mừng tủi tủi oà lên khóc
Con đã về đây! con về đây!
Vào nhà mẹ báo tin sét đánh
Pháp trường cha đã sớm qui tiên!
Chúng giết vì cha là “điạ chủ”
Trời cao có thấu nỗi oan khiên!
Hai mươi năm trường ta biệt xứ
Hai mươi năm lở đất nghiêng bờ
Lớp lớp người đi đời thưa bớt
Liều thân vượt biển lánh giặc nô
Ngồi lại cầu ao soi bóng nước
Tóc nay sương điểm nửa cuộc đời
Nợ nước thù nhà hai vai nặng
Ta thề ghi nhớ mãi khôn nguôi!
Mai ta trở lại khung trời sáng
Sống cùng nhân loại nửa đời sau
Ở đó người biết thương người lắm
Tình yêu nhân loại sáng muôn màu!
Bạch-Loan
|
|